Lịch sử Bóng lưới

Bóng lưới xuất hiện từ các hình thức sơ khai của bóng rổ và phát triển thành môn thể thao riêng khi số lượng người chơi nữ gia tăng. Bóng rổ được James Naismith phát minh vào năm 1891 ở Hoa Kỳ. Trò này ban đầu được chơi trong nhà giữa hai đội, mỗi bên có chín người, lấy một trái bóng đá ném vào giỏ đào kín đáy.[14] Trò chơi của Naismith nhanh chóng lan rộng khắp Hoa Kỳ và các biến thể của luật chơi đã sớm xuất hiện. Giáo viên giáo dục thể chất Senda Berenson phát triển các luật chơi sửa đổi cho phụ nữ vào năm 1892; cuối cùng đã sinh ra bóng rổ nữ. Trong khoảng thời gian này, các luật chơi giữa các trường đại học khác nhau được phát triển cho cả nam và nữ.[15]

Martina Bergman-Österberg giới thiệu một loại hình bóng rổ vào năm 1893 cho các nữ sinh viên của mình tại Trường Cao đẳng Thể dục ở Hampstead, Luân Đôn.[16] Luật chơi trong trường đã được sửa đổi: sân chơi chuyển ra ngoài trời và chơi trên sân cỏ; giỏ được thay thế bằng các vòng có lưới. Sau đó vào năm 1897 và 1899, luật chơi được tiếp tục bổ sung từ môn bóng rổ nữ của Hoa Kỳ.[15][17] Môn thể thao mới của Österberg được đặt tên là netball - "bóng lưới".[18] Luật chơi bóng lưới đầu tiên đề mục hóa do Hiệp hội Ling (về sau là Hiệp hội Giáo dục Thể chất Vương quốc Anh) xuất bản vào năm 1901.[11][19] Bóng lưới từ Anh lan sang các nước khác thuộc Đế quốc Anh. Luật chơi được biến đổi và thậm chí tên của môn thể thao này cũng khác biệt ở những nơi khác nhau: "bóng rổ (ngoài trời) nữ" đến Úc vào khoảng năm 1900 và New Zealand từ năm 1906,[20] trong khi "bóng lưới" được chơi trong các trường học ở Jamaica từ năm 1909.[21]

Phụ nữ ở Anh chơi bóng lưới trên sân cỏ, năm 1910 Ghi bàn trong một trận bóng lưới nữ ở New Zealand, khoảng thập niên 1920.

Ngay từ đầu, bóng lưới đã được coi là phù hợp với nữ giới; sự hạn chế di chuyển trong môn bóng lưới đã thu hút quan niệm đương đại về việc phụ nữ chơi thể thao, môn này cũng khác với các môn thể thao đối kháng của nam.[11][22] Bóng lưới đã trở thành môn thể thao phổ biến cho nữ giới khi du nhập vào các quốc gia và nhanh chóng lan truyền trong hệ thống trường học. Các giải đấu trường học và giải thi đấu quốc gia xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 20,[23][24] và năm 1924, cơ quan quản lý quốc gia đầu tiên về bộ môn bóng lưới được thành lập ở New Zealand.[20] Việc thi đấu quốc tế lúc ban đầu bị cản trở do thiếu ngân khoản và luật chơi khác nhau giữa các nước. Trận bóng lưới quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Melbourne vào ngày 20 tháng 8 năm 1938; Úc thắng New Zealand với tỉ số 40-11.[25] Từ năm 1957 bắt đầu có những nỗ lực để chuẩn hóa luật chơi bóng lưới trên toàn cầu; đến năm 1960, luật chơi quốc tế được chuẩn hóa và Liên đoàn Bóng lưới và Bóng rổ Nữ Quốc tế (sau này là Liên đoàn Bóng lưới Quốc tế (INF)) được thành lập để quản lý môn thể thao này trên toàn thế giới.[12]

Đại diện của Anh, Úc, New Zealand, Nam Phi và Tây Ấn họp lại năm 1960 tại Sri Lanka đã chuẩn hóa luật chơi.[26] Bóng lưới lan sang các nước châu Phi khác trong thập niên 1970.[27][28] Nam Phi bị cấm thi đấu quốc tế từ năm 1969 đến năm 1994 do phân biệt chủng tộc.[29][30] Tại Hoa Kỳ, sự phổ biến của bóng lưới cũng gia tăng vào thập niên 1970, đặc biệt là ở khu vực New York; Hiệp hội Bóng lưới Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1992.[31] Trò chơi cũng trở nên phổ biến ở các quốc đảo Thái Bình Dương như Quần đảo Cook, Fiji và Samoa trong thập niên 1970.[32] Netball Singapore (Tổ chức bóng lưới ở Singapore) ra đời năm 1962,[33] và Hiệp hội Bóng lưới Malaysia được thành lập năm 1978.[34]

Ở Úc, thuật ngữ women's basketball (bóng rổ nữ) từng được dùng để chỉ cả bóng lưới và bóng rổ nữ.[35] Trong thập niên 1950 và 1960, ở Úc có phong trào vận động đổi tên từ women's basketball sang netball (bóng lưới) để tránh nhầm lẫn giữa hai môn thể thao này. Liên đoàn bóng rổ Úc đề nghị trả các chi phí liên quan để đổi tên, nhưng tổ chức bóng lưới lại từ chối thay đổi. Năm 1970, Hội đồng Hiệp hội Bóng lưới Toàn Úc đã chính thức đổi tên môn này thành "bóng lưới".[11] Năm 1963, giải đấu quốc tế đầu tiên tổ chức tại Eastbourne, Anh. Ban đầu có tên là Giải thế giới (World Tournament), sau đó đổi thành Giải vô địch Bóng lưới Thế giới (World Netball Championships).[36] Sau giải đấu đầu tiên này, một trong những nhà tổ chức là bà R. Harris phát biểu:

Nước Anh có thể học được những sai lầm trong quá khứ từ các khán đài trống trơn ở Eastbourne. Để thu hút công chúng và có được vị thế mong muốn, trò chơi phải thoát ra khỏi sân trường. Bóng lưới nên có mặt trong các trung tâm thể thao nơi tổ chức các sự kiện xã hội.[36]

Giải vô địch Bóng lưới Thế giới được tổ chức bốn năm một lần kể từ đó. Giải vô địch Bóng lưới Trẻ Thế giới bắt đầu tại Canberra năm 1988 và cũng tiếp tục được tổ chức khoảng bốn năm một lần. Năm 1995, Ủy ban Olympic quốc tế công nhận Liên đoàn Bóng lưới Quốc tế.[11] Ba năm sau, bóng lưới ra mắt trong Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung năm 1998 tại Kuala Lumpur.[12] Các cuộc tranh tài quốc tế khác cũng xuất hiện vào cuối thế kỷ 20, bao gồm Nations Cup (Cúp các quốc gia) và Giải vô địch Bóng lưới châu Á.[37][38]

Giới tính

Nam và nữ cùng chơi trong một trận bóng lưới hỗn hợp tại Úc.

Năm 2006, Hiệp hội Bóng lưới Liên đoàn Quốc tế (gọi tắt là IFNA - tên trước đây của Liên đoàn Bóng lưới Quốc tế INF) chỉ công nhận bóng lưới dành cho nữ giới.[39] Vẫn có các đội bóng lưới nam ở một số nơi nhưng ít được các nhà tài trợ và khán giả chú ý tới.[40] Bóng lưới nam bắt đầu trở nên phổ biến ở Úc vào thập niên 1980 và giải vô địch nam đầu tiên được tổ chức vào năm 1985. Năm 2004, New Zealand và Fiji đã cử các đội tham dự Giải vô địch quốc gia dành cho nam và hỗn hợp của Úc. Đến năm 2006, các đội bóng lưới hỗn hợp ở Úc có nhiều thành viên nam ngang với môn bóng bầu dục.[41][42] Các quốc gia khác có đội tuyển quốc gia nam bao gồm Canada, Fiji, Jamaica, Kenya, Pakistan và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.[40] Không giống như bóng lưới nữ chơi ở cấp độ thành tích cao và cấp quốc gia, các đội nam và giới tính hỗn hợp chủ yếu phải tự trang trải.[39]

Một đội bóng lưới chuyển giới từ Indonesia đã thi đấu tại Gay Games (Giải thể thao đồng tính nam) 1994 ở thành phố New York.[43] Đội đã từng là nhà vô địch quốc gia Indonesia. Tại Gay Games VI năm 2000 ở Sydney, bóng lưới và bóng chuyền là hai môn thể thao có tỷ lệ vận động viên chuyển giới tham gia cao nhất.[44] Có tám đội bản địa thì bảy đội được xác định là chuyển giới. Họ đến từ những nơi như Đảo Palm ở phía bắc Queensland, Samoa, TongaPapua New Guinea. Các đội có người chơi chuyển giới được phép tham gia vào các nội dung bao gồm nam, hỗn hợp và chuyển giới nhưng không được phép thi đấu với các đội nữ bẩm sinh.[44]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bóng lưới http://www.netball.asn.au/extra.asp?id=29&OrgID=1&... http://www.netball.asn.au/newsItem.asp?orgID=1&ID=... http://www.netball.asn.au/newsitem.asp?id=15205&or... http://www.cybersydney.com.au/kids/sar/netball.htm... http://www.smh.com.au/news/sport/knee-injury-threa... http://www.schoolsport.edu.au/about/sportinfo/netb... http://eprints.usq.edu.au/608/2/Jones_MIA_2004_PV.... http://vuir.vu.edu.au/15665/1/Plaisted_1989compres... http://nla.gov.au/nla.news-article34246126 http://www.radioaustralianews.net.au/stories/20100...